Khám phá nguồn gốc Tết Trung thu – Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
Tết Trung thu hay còn gọi là Tết trông trăng, diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để trẻ em vui chơi, nhận quà và rước đèn. Đồng thời nhân dịp này, mọi người sum vầy, thể hiện tình cảm gia đình. Qua bài viết sau, hãy cùng H-Tech Event khám phá ý nghĩa và nguồn gốc Tết Trung thu, để hiểu rõ hơn về một trong những nét đẹp truyền thống gắn bó với đời sống người Việt từ bao đời nay.
1. Những truyền thuyết dân gian về nguồn gốc của Trung thu
Tết Trung thu bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu. Đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng, và chú Cuội.
-
Truyền thuyết về Hằng Nga
Ở Trung Quốc, từ xa xưa, người ta thường truyền tai nhau câu chuyện về Hằng Nga tiên tử. Chuyện kể rằng khi xưa ở nhân gian có tới 10 mặt trời chiếu sáng, thiêu đốt vạn vật, khiến nhiều người phải sống trong cảnh khốn cùng. Và chàng Hậu Nghệ với tài cung đã bắn hạ 9 mặt trời để cứu sống muôn dân. Cũng vì thế mà Hoàng đế đã ban tặng cho chàng 1 viên thuốc bất tử. Hậu Nghệ giao cho vợ mình là Hằng Nga cất giữ viên thuốc.
Nhưng chẳng may, viên thuốc quý bị kẻ gian nhòm ngó, nhân lúc Hậu Nghệ vắng nhà, chúng ép buộc Hằng Nga giao thuốc. Trước tình thế cấp bách, nàng đành nuốt viên thuốc quý vào bụng. Ngay lập tức, nàng thấy người mình trở nên nhẹ nhàng và bay lên trời. Vì yêu và nhớ chồng, Hằng Nga chọn mặt trăng làm nơi dừng chân để có thể ở gần nhân gian.
Khi Hậu Nghệ trở về nhà, phát hiện vợ mình đã biến mất, đau buồn vô cùng. Chàng nhìn lên mặt trăng và thấy hình bóng của Hằng Nga. Từ đó, vào mỗi đêm rằm tháng Tám, Hậu Nghệ lại bày biện mâm cỗ dưới ánh trăng, hy vọng được gặp lại vợ mình.
Người dân vô cùng cảm động nên cứ vào rằm tháng 8, họ lại tổ chức lễ hội Trung Thu để tôn vinh và tưởng nhớ hai người. Cũng từ đó, lễ hội Trung Thu trở thành dịp để gia đình đoàn tụ, thưởng thức bánh trung thu và ngắm trăng.
-
Truyền thuyết vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng
Một truyền thuyết khác của Trung Quốc kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713 – 741 Tây Lịch) khi đang dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm Rằm tháng 8 Âm lịch thì gặp đạo sĩ La Công Viễn (Diệu Pháp Thiện). Vị đạo sĩ này đã dùng phép để đưa nhà vua lên cung trăng.
Mải mê thưởng thức cảnh tiên, nhà vua quên cả việc trở về trần gian khi trời đã gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về trong sự tiếc nuối.
Về tới hoàng cung, nhà vua còn vương vấn cảnh tiên nên đã cho chế ra khúc Nghê thường Vũ Y và lệnh cho dân chúng trong dân gian phải tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng vào đêm Rằm tháng 8 hàng năm. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày này trở thành phong tục của dân gian.
-
Truyền thuyết về chú Cuội
Còn ở Việt Nam, mọi người sẽ nhắc tới câu chuyện của Chú Cuội và cây đa. Chuyện kể rằng, Chú Cuội là một tiều phu nghèo, tình cờ phát hiện cây đa có lá chữa lành mọi bệnh tật. Nhờ cây này, chú Cuội đã cứu sống nhiều người. Nhưng cây đa thần muốn sống được ở nhân gian thì phải dùng nước sạch tưới tắm. Nếu dùng nước bẩn tưới cây, cây sẽ bật rễ mà bay về trời.
Một hôm, Chú Cuội đi xa, dặn vợ không được tưới cây bằng nước bẩn. Vợ chú lơ đễnh, tưới cây bằng nước rửa chén, khiến cây đa bật rễ bay lên trời. Vừa hay Chú Cuội về tới nơi, thấy vậy chú vội chạy tới ôm rễ cây kéo xuống. Nào ngờ không những không giữ được cây, mà còn bị kéo theo lên tận cung trăng.
Từ đó, chú Cuội sống trên mặt trăng cùng cây đa thần. Vào đêm Trung Thu, khi ngắm trăng, người ta thấy bóng hình Chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa. Cũng có lẽ vì vậy mà trong đêm Trung Thu, trẻ em Việt Nam từ xưa đã thường hát vang những bài đồng dao về Chú Cuội, cùng nhau rước đèn sáng rực trên đường như thể giúp Chú Cuội được nhìn thấy quê hương an ủi nỗi nhớ nhà xa quê của Chú.
2. Ý nghĩa của Tết Trung thu
Trung Thu diễn ra vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch hằng năm. Đây là ngày mặt trăng tròn nhất trong chu kỳ. Và dịp này cũng là thời điểm gieo trồng đã xong, thời tiết không còn oi ả như ngày hè. Người dân cũng thảnh thơi, thích hợp để mở hội cầu mùa màng thuận lợi và ca hát vui chơi.
Tết Trung Thu diễn ra khi mặt trăng tròn và sáng nhất, biểu trưng cho sự viên mãn và đoàn tụ. Cũng vì thế mà Trung Thu còn được gọi là Tết Đoàn Viên. Đây là dịp để gia đình sum vầy, bày cỗ cúng gia tiên và cùng nhau ngắm trăng tròn. Mâm cỗ Trung Thu phong phú với bánh nướng, bánh dẻo và các loại hoa quả, biểu thị lòng biết ơn tổ tiên và mong ước mùa màng bội thu.
Ngoài ra, Tết Trung Thu còn là lễ hội vui chơi của trẻ em. Các em được nhận quà, rước đèn và nghe kể những câu chuyện truyền thống như truyền thuyết Hằng Nga và Chú Cuội. Theo truyền thống từ xa xưa, đêm Trung Thu còn là dịp để người dân dự đoán trước về mùa màng. Họ tin rằng trăng vàng báo hiệu mùa màng bội thu, trăng xanh hoặc lục dự báo thiên tai, và trăng cam sáng báo hiệu đất nước yên bình.
3. Điểm qua một số nét đặc trưng của Trung thu
Theo phong tục của người Việt, khi đến Tết Trung Thu các gia đình sẽ bày cỗ cúng gia tiên vào ban ngày, còn tối đến thì cùng nhau quây quần ngắm trăng. Cỗ mừng Trung Thu rất phong phú đa dạng gồm bánh Trung Thu, các loại kẹo ngọt, hoa quả theo mùa.
Ngoài ra, mỗi khi tới dịp Trung Thu, không khí khắp nơi đã bắt đầu náo nhiệt, rộn ràng. Mọi người bắt đầu chuẩn bị những chiếc đèn lồng đủ màu sắc và hình dạng, cùng các loại bánh dẻo, bánh nướng và vô số đồ chơi cho trẻ em.
Trẻ em háo hức đón tết với những chiếc đèn rực rỡ, cùng nhau đi thành từng đoàn ca hát vui vẻ khắp nơi vào buổi tối. Đến đêm rằm, những màn múa sư tử náo nhiệt với tiếng trống, tiếng thanh la vang lên khắp nơi. Dịp này cũng là lúc diễn ra nhiều cuộc vui khác nhau của người lớn và trẻ em.
Ở miền Bắc, Tết Trung Thu còn có tục hát trống quân, múa Sư tử. Đội múa lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, tưng bừng đêm Trung Thu.
Hiện nay H-Tech Event cung cấp dịch vụ tổ chức tết Trung thu từ A đến Z bao gồm: lên ý tưởng kịch bản, cho thuê nhân sự và thiết bị sự kiện, thi công và setup chương trình, v.v.. Để được tư vấn và trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, hãy liên hệ ngay với H-Tech Event. Chúng tôi tự tin mang lại cho bạn chương trình trung thu ý nghĩa.
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ VÀ DỊCH VỤ H-TECH
Địa chỉ: Số 52 ngõ 71 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0949 554 556